Nông dân miền Tây đang tận dụng tối đa thời gian để tích nước ngọt, trước khi bước vào cao điểm của hạn mặn.
Chỉ về hồ chứa nước ngọt, ông Nguyễn Văn Tình (75 tuổi, ngụ xã Giao Long, huyện Châu Thành, Bến Tre) chia sẻ, gia đình ông đã sớm tranh thủ trữ nước cho sinh hoạt, sản xuất. Hiện lượng nước ngọt dự trữ đủ dùng cho gia đình khoảng 4 tháng, nên ông cũng khá an tâm. Huyện Chợ Lách được xem là vùng ngọt hóa của tỉnh Bến Tre nhưng thời gian qua nước mặn đã tràn vào, gây thiệt hại về hoa kiểng, vườn cây ăn trái.
Ông Nguyễn Văn Tình (xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) làm ao để trữ nước ngọt phòng khi mặn xâm nhập. Ảnh: P.HUY
Ông Nguyễn Thanh Nhàn (ngụ xã Tân Thiềng) cho biết: “Nước mặn không còn theo quy luật của tự nhiên và có xu hướng xâm nhập sâu vào đất liền. Tôi rất lo cho 1ha sầu riêng có nguy cơ bị ảnh hưởng trong mùa hạn mặn 2023. Để ứng phó, tôi đã chủ động mua 2 túi ni lông loại 25-30m3 về trữ nước ngọt; đồng thời dẫn nước từ sông lớn vào đầy các mương vườn để dự trữ”.
TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, nói: “Huyện Chợ Lách đang hướng đến xây dựng trung tâm sản xuất cây giống lớn nhất vùng ĐBSCL. Trên địa bàn hiện có 4.700 hộ sản xuất hoa kiểng với khoảng 560ha.
Tất cả các loại cây trên đều rất mẫn cảm với nước mặn, nên ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nhà vườn nên kiểm tra độ mặn trước khi tưới cho cây; đồng thời có giải pháp trữ nước ngọt trong mương vườn, trữ trong các dụng cụ khác nhằm ứng phó kịp thời khi hạn mặn về sớm và kéo dài”.
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ ngày 28-2 đến 6-3, việc xả nước từ các thủy điện ở thượng nguồn thuộc Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất, còn 639-694m3/giây. Việc giảm xả này dự báo sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL từ ngày 21-3 đến 31-3.
Theo đó, vùng giữa độ mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu 45-60km. Riêng vùng ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra. Sau đó, nước mặn gia tăng chủ yếu khu vực sông Vàm Cỏ, mặn có thể xâm nhập 65-75km.
Tại Cà Mau, những ngày qua nắng nóng gay gắt kéo dài khiến cho mực nước kênh mương trong vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau bốc hơi nhanh. Mấy ngày qua, ông Dư Văn Dửng (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) liên tục “canh” bơm nước từ con sông trước nhà vào 2 ao cá bổi đang nuôi ở phía sau nhà.
“Mấy năm trước xảy ra “hạn bà chằn” nên kênh mương trong vùng khô cạn không còn nước ngọt; các ao cá nuôi thiếu nước trầm trọng. Nhiều người phải bắt cá bán sớm, tránh thiệt hại lớn. Rút kinh nghiệm, năm nay khi các ao cá rút chừng hai, ba tấc nước thì tôi tranh thủ bơm vào cho đầy”, ông Dửng chia sẻ.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: Ngành thủy lợi và các địa phương đã chủ động vận hành các cống thủy lợi, đắp đập tại các đầu kênh vào đầu mùa khô nên vùng ngọt hóa hiện nay chưa bị ảnh hưởng nhiều. Dù vậy, tỉnh cũng chủ động trong mọi tình huống: xây dựng phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt theo cấp độ rủi ro trên địa bàn để ứng phó linh hoạt; tuyên truyền người dân chủ động ứng phó…
Ở các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, các nhà vườn đều chủ động gia cố hệ thống bờ bao, tích nước ngọt dự trữ vào mương vườn để tưới cho cây trồng khi xâm nhập mặn tăng lên.